Nội dung bài viết
Giấc ngủ đối với mỗi người là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi mang thai, giấc ngủ cũng như tư thế ngủ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi và sức khoẻ của mẹ trong thai kỳ. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và an toàn nhất cho mẹ bầu và em bé, hãy cùng Blog Mẹ yêu con đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Tư thế ngủ khi mang thai thế nào là đúng, thế nào là an toàn cho mẹ và bé?
Do sự thay đổi về kích thước thai nhi cũng như sinh lý của cơ thể mà mẹ bầu không thể nằm ngủ thoải mái như bình thường, tuỳ theo các giai đoạn của thai kỳ, mẹ cần nằm ngủ đúng tư thế để đảm bảo an toàn cho bé và sự thoải mái cho mẹ những giấc ngủ ngon.
1. Tư thế ngủ trong 3 tháng đầu thai kỳ
Vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, các mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ hơn do sự gia tăng của hoocmon sinh lý nữ trong cơ thể khiến cho mẹ bầu gặp các tình trạng đau ngực, đầy bụng, táo bón, đi tiểu đêm… ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đồng thời, trong giai đoạn đầu, đa số các mẹ bầu đều bị ốm nghén nên cơ thể mệt mỏi và ngủ không ngon giấc.
Trong thời gian này, các mẹ hãy nghỉ ngơi nhiều và ngủ lúc nào có thể. Khi ngủ, mẹ chưa bị hạn chế các tư thế ngủ và vẫn có thể nằm ngửa nhưng mẹ nên tập nằm nghiêng về bên trái để việc lưu thông máu được dễ dàng hơn. Có thể đặt thêm gối dưới bụng để cho bụng được dễ chịu và người bớt mỏi.
Bên cạnh đó, để ngủ ngon giấc hơn, các mẹ cũng nên hình thành một lịch trình ổn định cho giấc ngủ bằng cách đi ngủ vào 1 giờ nhất định. Buổi tối không nên ăn thực phẩm nhiều chất lỏng hoặc uống nhiều nước để không buồn đi tiểu đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu của thai kỳ Dưới đây là những thực phẩm mẹ bầu nên ăn trong 3 tháng đầu hết sức là thân thuộc. Đơn giản nhưng giàu dinh dưỡng….>>> |
2. Tư thế ngủ vào 3 tháng giữa thai kỳ
Khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu đã bớt mệt mỏi hơn vì không phải chịu đựng những cơn ốm nghén nữa nhưng sự phát triển của thai nhi lớn dần lên gây áp lực lên cơ hoành, lưng và hông, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó thở và đau nhức hơn. Cùng với đó là chứng ợ nóng khó chịu hoặc những giấc mơ về sự phát triển của thai nhi khiến mẹ lo lắng, ngủ không ngon.
Trong giai đoạn này, mẹ bầu hãy nằm ngủ trong tư thế nghiêng về bên trái và gối đầu cao để giữ cho axit dạ dày không trào ngược lên cổ. Đồng thời, đặt gối dưới bụng và sau lưng để làm giảm áp lực của thai nhi đang lớn dần lên.
3. Tư thế ngủ trong 3 tháng cuối của thai kỳ
Đây là giai đoạn khó ngủ nhất của mẹ bầu vì lúc này thai nhi đã lớn, chuyển động liên tục và tần suất đi tiểu đêm nhiều hơn. Trong 3 tháng cuối này, mẹ bầu không nên nằm ngửa bởi tư thế này ảnh hưởng rất không tốt đến cả mẹ và bé. Nằm ngửa vào 3 tháng cuối sẽ khiến cho cột sống của mẹ nhức mỏi.
Từ tuần thứ 24, với tư thế nằm ngửa khi ngủ, tử cung có thể bị chèn ép tĩnh mạch dưới, làm cản trở sự lưu thông máu của tĩnh mạch chủ, gây nên tình trạng hạ huyết áp cho mẹ bầu và giảm lượng máu đến nhau thai, làm chậm nhịp tim của thai nhi, ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng và sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Hơn nữa, tư thế nằm ngửa cũng khiến cho các chất độc hại khó được đào thải ra ngoài cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sẽ gặp phải các triệu chứng đau thắt ngực, tụt huyết áp, gây ngạt thai nhi và thậm chí tử vong.
Vì thế, mẹ nên lựa chọn tư thế ngủ an toàn và phù hợp để giảm các nguy cơ thai chết lưu và chậm phát triển bằng cách nằm ngủ nghiêng về bên trái – tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu để lưu thông máu tốt cho thai nhi, tử cung và thận của mẹ. Ngoài ra, mẹ có thể ôm một chiếc gối ngủ cho bà bầu để ngủ ngon hơn.
Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ bầu cũng không nên nằm sấp sẽ làm giảm chức năng hô hấp của phồi, thiếu oxy và cơ chế thải CO2 bị cản trở gây áp lực cho em bé trong bụng khiến cho bé bị thiếu oxy.
Tuy nhiên, trong khi ngủ mẹ không thể kiểm soát được hoàn toàn tư thế ngủ của mình, vì vậy khi chợt thức giấc vào ban đêm, mẹ chỉ cần lấy tay đặt lên bụng, nhẹ nhàng cuộn mình sang trái và tiếp tục ngủ. Tốt nhất, để cố định vị trí ngủ, mẹ có thể kê một chiếc gối sau lưng hoặc dùng gối ngủ chuyên dụng cho mẹ bầu.
Trong những tháng cuối, mẹ bầu cũng bị nặng chân, phù nề hoặc chuột rút khi mang thai… nên khi ngủ có thể kê chân cao trên một chiếc gối hoặc tấm nệm mềm để máu lưu thông dễ dàng hơn.
Những lưu ý để có giấc ngủ ngon trong thai kỳ
– Mẹ có thể đặt một chiếc gối kẹp giữa 2 chân không chỉ giúp mẹ thấy thoải mái hơn mà còn hỗ trợ tốt cho phần hông, xương chậu cũng như cột sống.
– Không nằm giường cứng, không kê gối quá cao và không đắp chăn được làm từ sợi nhân tạo, khi ngủ nhớ nằm màn để tránh bị muỗi đốt.
– Trong trường hợp đêm ngủ không ngon, mẹ có thể bù bằng giấc ngủ trưa. Nhiều mẹ bầu đêm ngủ không ngon do ốm nghén, trào ngược axit, chuột rút… những lo lắng và ác mộng khi đến ngày gần sinh. Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hết sức cần thiết để phục hồi cơ thể mẹ bầu do mất ngủ về đêm khi mang thai. Chú ý nên tránh ngủ trưa quá muộn vào buổi chiều, đêm sẽ khó ngủ.
Ngủ với tư thế đúng cách không chỉ giúp các mẹ bầu thoải mái và có giấc ngủ ngon mà còn bảo vệ an toàn cho sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Các mẹ hãy đảm bảo ngủ đúng theo những tư thế tốt cho mẹ bầu đã được khuyến cáo ở trên nhé.