Nội dung bài viết
- Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối
- Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ
- Những triệu chứng bất thường có thể nguy hiểm với thai nhi trong 3 tháng cuối
- Các dấu hiệu chuyển dạ
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khi mang thai 3 tháng cuối
- Những điều mẹ bầu cần làm khi mang thai 3 tháng cuối
- Những điều mẹ bầu không nên làm khi mang thai 3 tháng cuối
3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn về đích, mẹ chuẩn bị chào đón bé yêu ra đời. Lúc này cả thai nhi và cơ thể của mẹ đều có nhiều thay đổi vượt bậc, không chỉ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi hơn mà mẹ bầu còn lo lắng về việc sinh con. Để cuộc vượt cạn thành công và bình an, mẹ bầu cần hiểu rõ về sự thay đổi của cơ thể và có chế độ chăm sóc, kiêng cữ cẩn thận trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối
Tam cá nguyệt thứ 3 là giai đoạn vô cùng quan trọng với tốc độ phát triển vượt bậc của thai nhi. Từ tuần 28-32, mỗi tuần bé có thể tăng thêm 500gr. Từ tuần 32-36, tốc độ tăng cân chậm lại còn 250g/tuần. Tuần 38-40, thai nhi nặng trung bình 3-3,5kg.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, hệ tiêu hoá của bé hình thành các chất màu xanh do các tế bào chết, chất bài tiết ở ruột, gan hình thành. Các chất này sẽ được bài tiết sau khi ra đời gọi là phân su.
Từ tuần 35-37, bé quay đầu xuống dưới phía xương chậu của mẹ, ổn định ngôi thai, sẵn sàng để chào đời.
Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ
– Cùng với sự tăng cân của thai nhi, cân nặng của mẹ bầu cũng tăng nhanh chóng, bụng bầu to nặng hơn khiến cho việc đi lại khó khăn, khệ nệ. Càng vào những tuần cuối, mẹ sẽ thấy bụng càng tụt thấp do thai nhi quay đầu để chuẩn bị ra ngoài.
– Đi cùng với cân nặng tăng nhanh là tình trạng rạn da ở bụng, hông, đùi, ngực. Sự bài tiết hoocmon estrogen và progesterone khiến cổ, nách, bẹn, nhũ hoa sậm màu, nám da mặt. Tuy nhiên mẹ cũng đừng lo hiện tượng này sẽ biến mất sau khi sinh.
– Sự thay đổi nội tiết tố khiến thận giữ muối khiến cơ thể bị phù nề ở tay, chân, mặt. Nếu tăng cân qúa nhanh và phù nề nhiều thì mẹ cần đi khám để đề phòng nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật.
– Vào các tháng cuối thai kỳ, chức năng bài tiết của mật và gan yếu đi nên nhiều mẹ bầu có thể bị ốm nghén trở lại, buồn nôn, vàng da, mệt mỏi.
– Tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
– Xuất hiện các triệu chứng són tiểu, chuột rút cùng với đau lưng gia tăng trong 3 tháng cuối thai kỳ.
– Đau xương mu và cả vùng kín mỗi khi đi lại, lên xuống cầu thang do xương chậu giãn nở để chuẩn bị sinh con.
– Xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ như gò cứng bụng, đau bụng nhưng không quá nghiêm trọng.
Những triệu chứng bất thường có thể nguy hiểm với thai nhi trong 3 tháng cuối
3 tháng cuối thai kỳ rất dễ xảy ra tình trạng sinh non. Mẹ bầu hãy chú ý theo dõi cơ thể, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau, cần đi bệnh viện để khám ngay:
- Sốt cao không rõ lý do.
- Đi tiểu có cảm giác đau buốt, ra máu.
- Đau bụng dưới dữ dội.
- Ra máu vùng kín.
- Có nhiều khí hư bất thường, ngứa ngáy và có mùi hôi.
Các dấu hiệu chuyển dạ
Ở thời điểm 3 tháng cuối đặc biệt là gần tới ngày sinh, mẹ bầu sẽ dần thấy xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ, vậy đó là những dấu hiệu nào?
– Ra máu báo: Nếu thấy có máu ở vùng kín trong 3 tháng cuối là dấu hiệu báo sắp tới ngày sinh. Mẹ bầu nên đi khám để kiểm tra ngay khi xuất hiện máu báo.
– Rỉ ối: Nước ối sẽ trong suốt, không màu, không mùi. Mẹ có thể dùng giấy quỳ để kiểm tra, nếu đổi sang màu xanh là nước ối, không chuyển màu là nước tiểu.
– Thai nhi đạp ít: Mẹ có thể kiểm tra bằng cách đếm bé đạp sau mỗi bữa ăn (sáng, trưa, tối), trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nếu bé đạp 4 lần trở lên trong vòng 30 phút là bình thường.
Nếu thấy bé đạp ít hơn 4 lần trong thời gian như trên, mẹ hãy đếm tiếp cho đến khi đủ 4 tiếng đồng hồ. Mẹ có thể tác động giúp bé đạp bằng cách:
- Thay đổi tư thế.
- Ăn đồ ngọt và đợi tầm 2-3 phút.
- Nghe nhạc.
- Thử ấn vào 1 bên thành bụng xem bé có phản ứng lại không.
- Uống nước lạnh hoặc 1 cốc sữa lạnh.
- Sử dụng đèn pin chiếu vào thành bụng.
Nếu bé đạp trên 10 lần trong 4 tiếng đồng hồ là bình thường và tiếp tục kiểm tra trong các bữa ăn tiếp theo. Nếu số lượng đạp ít hơn hoặc có chuyển động yếu ớt, mẹ cần đi khám ngay nhé!
– Xuất hiện các cơn gò nhiều: Khi thấy cơn gò dài hơn 2 phút với tần suất ngày càng nhiều thì mẹ hãy đến bệnh viện để được thăm khám ngay.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khi mang thai 3 tháng cuối
Chế độ ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất có vai trò rất quan trọng đối với mẹ bầu và thai nhi trong 3 tháng cuối. Mẹ hãy chú trọng bổ sung các chất như protein, sắt, kẽm, iot và folic có vai trò quan trọng trong phát triển các tế bào thần kinh của thai nhi.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng cuối, mẹ còn cần bổ sung dinh dưỡng để chuẩn bị cho cơ thể sản xuất sữa sau khi sinh con.
– Các thực phẩm chứa sắt: như thịt đỏ, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh, hoa quả chín giàu vitamin C… giúp hình thành hồng cầu đưa oxy đến các bộ phận cơ thể, nuôi dưỡng tế bào chịu trách nhiệm sản xuất sữa.
– Các thực phẩm giàu canxi: Sữa; tôm; các chế phẩm từ sữa; ngũ cốc; hoa quả như cam, kiwi, mận khô, chuối, dâu tây; rau xanh như súp lơ, cải xanh, rau chân vịt, cà rốt, cải thảo, măng tây; trứng, thịt, hải sản. Canxi trong các thực phẩm này không chỉ giúp phát triển hệ xương của bé mà còn là 1 trong những chất giúp tạo sữa.
>> Bài viết liên quan:
– Thực phẩm giàu vitamin C, D: để tăng sức đề kháng cho mẹ bầu và thai nhi đồng thời làm gia tăng các tế bào quanh núm vú giúp mẹ dễ dàng có sữa sau sinh. Nhóm thực phẩm này gồm: hoa quả họ cam, cà chua, rau xanh, cá, lòng đỏ trứng, thịt, ngũ cốc, sữa.
Những điều mẹ bầu cần làm khi mang thai 3 tháng cuối
Vận động nhẹ như đi bộ, yoga, thiền, bơi lội trong 3 tháng cuối vừa tăng cường sức khoẻ vừa giúp mẹ bầu giảm căng thẳng và giúp việc sinh nở thuận lợi hơn.
Tích cực trò chuyện với chồng, gặp gỡ người thân, bạn bè để giải toả căng thẳng, tránh hiện tượng trầm cảm thai kỳ.
Tham gia các lớp học tiền sản để có thêm kinh nghiệm trong việc sinh nở, nuôi con.
Thực hiện thai giáo: 3 tháng cuối thai kỳ, não bộ của thai nhi đã phát triển mạnh nên mẹ có thể thực hiện các biện pháp thai giáo, giáo dục sớm cho trẻ khi còn trong bụng mẹ.
Khám thai thường xuyên: Từ tuần 27-36, mẹ bầu nên khám thai định kỳ 2 lần/ tuần. Từ tuần 38 đến trước khi sinh, khám 1 lần/tuần để kịp thời phát hiện những tai biến sản khoa (nếu có).
Ngoài ra, các mẹ cũng cần:
- Chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và bé cho việc đi sinh.
- Làm hồ sơ sinh tại các bệnh viện từ tuần 36 trở đi.
- Chuẩn bị đặt tên, làm giấy khai sinh cho bé.
- Bàn giao công việc tại cơ quan.
- Tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào.
Những điều mẹ bầu không nên làm khi mang thai 3 tháng cuối
– Vào 3 tháng cuối thai kỳ, các mẹ nên kiêng làm việc nhà bởi việc tiếp xúc với các hoá chất tẩy rửa sẽ không tốt cho thai nhi. Bên cạnh đó, khi cơ thể đã nặng nề, mẹ sẽ rất dễ bị té ngã và nguy hiểm cho con.
– Không nằm ngửa và nằm úp khi ngủ: vì tư thế này có thể chèn ép, cảm trở máu lưu thông đến bào thai. Tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu là nằm nghiêng về bên trái.
– Không nên xoa bụng bầu: Các mẹ bầu thường thích xoa bụng như một hành động âu yếm con và giao tiếp với con nhưng nếu xoa bụng quá nhiều sẽ kích thích tử cung gây sinh non trong 3 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, mẹ cũng không nên xoa bụng quá nhiều trong giai đoạn nhạy cảm này nhé.
– Giảm bớt quan hệ vợ chồng: Trong khi mang thai, mẹ bầu hoàn toàn có thể quan hệ vợ chồng bình thường, tuy nhiên vào 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần kiêng cữ bớt chuyện ‘yêu’ bởi rất dễ gây động thai, sẩy thai, sinh non.
– Không kích thích đầu ti: Nhiều mẹ thấy có sữa non tiết ra nên định vắt sữa non để dành cho con bú. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì việc kích thích đầu ti sẽ khiến tử cung co thắt và sinh non.
– Không đi chơi xa: Nhiều mẹ muốn đi chơi xa trước khi lâm bồn nhưng việc này là không nên bởi vào 3 tháng cuối thai kỳ, cơ thể của các mẹ rất mệt mỏi, tay chân đau nhức… Đi chơi xa sẽ dễ khiến sẩy thai và sinh non.
– Các mẹ bầu 3 tháng cuối không nên vận động mạnh nhưng cũng không nên ngồi yên một chỗ. Mẹ hãy vận động nhẹ như như đi bộ giúp cho máu lưu thông tốt hơn và sinh nở dễ dàng hơn.
– Lái xe máy vào những tháng cuối thai kỳ khi bụng đã qúa to rất nguy hiểm vì mẹ sẽ khó điều khiển và mất cân bằng. Vì vậy, khi đến những tháng cuối, mẹ hãy nhờ chồng, người thân đưa đi làm.
– Không mặc đồ lót tối màu, mẹ hãy mặc đồ lót sáng màu để dễ dàng phát hiện máu báo, dịch tiết âm đạo, chuyển dạ hay vỡ ối để đến bệnh viện kịp thời.
– Không được ăn mặn trong 3 tháng cuối thai kỳ bởi có thể khiến tăng huyết áp, tiền sản giật, tích nước, phù nề tay chân, thai nhi bị rối loạn hấp thu dưỡng chất.
Trên đây là tất cả những lưu ý cho mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ để có một sức khoẻ tốt và sẵn sàng vượt cạn thành công.