Thực phẩm cho bà bầu vô cùng quan trọng, bình thường mẹ có thể thích ăn rất nhiều món ăn, nhưng khi mang thai phải chú ý cân nhắc những thực phẩm nào nên ăn và không nên ăn gì để tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé. Dứa là một loại hoa quả thơm ngọt được rất nhiều người yêu thích, vậy câu hỏi đặt ra là mẹ bầu có nên ăn dứa không và ăn dứa khi mang bầu cần chú ý những gì?
Bà bầu có nên ăn dứa không?
Trong dứa có chứa một chất là bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, đây là lí do nhiều người cho rằng ăn dứa khi mang bầu sẽ gây ra sảy thai. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh điều này và lượng Bromelain trong dứa không đáng kể, mẹ bầu phải ăn ít nhất 7 quả dứa 2 lần mới có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, dứa chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu. Vì vậy, mẹ không nên bỏ qua loại quả này trong thai kỳ. Nếu ăn một lượng vừa phải, dứa hoàn toàn không gây hại mà còn mang tới cho mẹ bầu những lợi ích tuyệt vời như:
- Hỗ trợ hệ miễn dịch: Vitamin C trong quả dứa giúp tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Chất Bromelain trong dứa nếu được nạp với lượng vừa phải còn có tác dụng giúp mẹ bầu chống lại các triệu chứng cảm lạnh thông thường và có lợi cho hệ tiêu hóa.
- Giúp xương chắc khỏe: Trong dứa có chứa nhiều mangan có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương và các mô liên kết.
- Chứa nhiều chất xơ ngăn ngừa tình trạng táo bón ở mẹ bầu
- Cứ 100g dứa chứa khoảng 0,5 mg sắt cần thiết để sản xuất hồng cầu và axit folic giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi
- Các mẹ bầu thường bị giãn tĩnh mạch nhất là vào tháng cuối, chân sẽ phình to và đau nhức. Chất bromelain trong dứa giúp làm giảm sự hình thành chất xơ trong tĩnh mạch và giúp mẹ không bị khó chịu.
- Giảm ốm nghén khi mang bầu
- Bà bầu ăn dứa còn có tác dụng điều hòa huyết áp, lợi tiểu, giúp cải thiện tâm trạng, bớt lo âu căng thẳng trong thai kỳ.
>>> Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp khi bà bầu bị táo bón
Ăn dứa khi mang thai bà bầu cần chú ý những gì?
Tuy dứa có nhiều tác dụng như trên và mẹ bầu nên ăn dứa khi mang thai để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng khi ăn dứa, mẹ bầu vẫn nên lưu ý những điều sau để không ảnh hưởng xấu đến thai nhi:
– Thai kỳ của mẹ được chia làm 3 tam cá nguyệt. Ở mỗi giai đoạn này, lượng dứa mẹ nên ăn có sự khác nhau:
- Tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu): Tốt nhất mẹ không nên ăn dứa vì chất bromelain không tốt cho tử cung. ( Xem thêm: Mang thai 3 tháng đầu nên ăn hoa quả gì?)
- Tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa): Mẹ có thể sử dụng với lượng vừa phải, khoảng 100g/ tuần, chia làm 2-3 bữa
- Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối): Lúc này mẹ có thể ăn nhiều dứa hơn, khoảng 250g/ ngày. Tuy nhiên tuỳ cơ địa mỗi người mà mẹ có thể điều chỉnh lượng dứa ăn phù hợp để không bị co thắt tử cung. Từ khoảng tuần 38 trở đi, mẹ bầu ăn dứa sẽ giúp việc sinh nở dễ dàng hơn nhờ chất bromelain.
– Khi ăn quá nhiều dứa, mẹ bầu có thể gặp phải các hiện tượng như: ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày, tăng đường trong máu, tăng cân, tiêu chảy, các cơn đau thắt tử cung, miệng có thể bị sưng hoặc nổi ngứa… Vì vậy mẹ nên ăn lượng dứa vừa phải theo các khuyến cáo trên, nếu gặp các triệu chứng trên do ăn nhiều dứa, mẹ hãy đến bệnh viện ngay nhé.
– Không ăn dứa hoặc uống nước ép dứa chưa chín
Khi ăn dứa, mẹ hãy ăn những quả đã chín vàng, nếu dứa xanh sẽ gây ngộ độc.
– Mẹ cũng bỏ phần lõi dứa vì chúng có thể hình thành những búi xơ trong thành ruột, gây khó chịu cho mẹ bầu. Khi gọt xong mẹ nhớ ăn ngay, không nên để lâu ngoài không khí.
– Các mẹ bị đau dạ dày không nên ăn dứa khi đói vì dứa có tính chua.
– Để tránh tình trạng bị sưng môi, lưỡi, phát ban, nổi mề đay khi ăn dứa do cơ thể dễ bị mẫn cảm, mẹ nên ăn dứa đã được chế biến như nấu hoặc xào chín nhé.
Như vậy, dứa là loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất tốt cho mẹ bầu và thai nhi, nhưng khi ăn dứa mẹ cần chú ý ăn lượng phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé!
CÓ THỂ MẸ QUAN TÂM: