Nội dung bài viết
Để chuẩn bị tốt nhất cho con bước vào hành trình ăn dặm, mẹ đỡ vất vả thì việc chuẩn bị trước những đồ dùng cho bé tập ăn dặm là rất quan trọng. Vậy danh sách đồ dùng cho bé tập ăn dặm bao gồm những gì? Hãy cùng Blogmeyeucon tìm hiểu danh sách này các mẹ nhé.
Danh sách đồ dùng cho bé tập ăn dặm cần chuẩn bị
Khi chế biến các món ăn dặm cho bé không khác quá nhiều việc chế biến các món ăn cho gia đình. Khi đó những đồ dùng tối thiểu các mẹ cần có như dao, thớt, nồi, chảo. Còn những đồ dùng khác như bát ăn dặm, ghế ăn dặm…có vai trò hỗ trợ quá trình ăn dặm của bé, giúp mẹ tiết kiệm thời gian, đỡ vất vả hơn khi chuẩn bị các món ăn dặm hay khi cho bé ăn dặm. Tùy vào điều kiện kinh tế, nhu cầu sử dụng mà mẹ có thể lựa chọn mua hoặc không mua, thay thế đồ dùng này bằng một đồ dùng khác mẹ nhé.
- Tìm hiểu thêm: Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống có còn phù hợp?
Đồ chế biến món ăn dặm cho bé
Để chế biến các món ăn dặm cho bé, mẹ sẽ cần chuẩn bị:
1. Thớt
Cũng giống như khi mẹ chế biến các món ăn cho cả gia đình, mẹ sẽ cần tới 2 loại thớt là thớt thái đồ sống và thớt thái đồ chín (Không nên dùng chung 2 loại thớt) để đảm bảo vệ sinh. Mẹ có thể sử dụng thớt có sẵn của gia đình hoặc mua thớt mới (nếu có điều kiện).
2. Chảo chống dính, nồi loại nhỏ
Nồi và chảo nấu là những vật dụng không thể thiếu khi chế biến các món ăn dặm cho bé.
3. Vỉ hấp
Để có thể giữ lại nhiều Vitamin nhất khi chế biến thực phẩm thì việc sử dụng vỉ hấp là rất cần thiết. Mẹ có biết, thực phẩm được chế biến bằng cách hấp cách thủy, thực phẩm sẽ chín với nhiệt độ thấp hơn, sẽ chỉ có một phần nhỏ vitamin và khoáng chất bị tác động bởi nhiệt độ.
Ngoài ra, việc nấu chín thực phẩm không dùng nước cũng làm giảm lượng vitamin bị hòa tan so với cách nấu hay luộc.
4. Máy xay
Trẻ nhỏ ăn dặm, hệ tiêu hóa còn rất non yếu. Bởi vậy, một nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm là cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng tới đặc, từ tinh đến thô. Khi đó, những chiếc máy xay là rất quan trọng.
Mẹ có thể lựa chọn 1 trong 2 loại máy xay: Máy xay cầm tay hoặc máy xay có cối đi kèm.
- Máy xay cầm tay: Nên chọn loại máy xay có công suất lớn để có thể xay được cả thịt, cá hay các đồ khô khác. Nên chọn thiết bị có công suất từ 400W trở lên để xay nhiễn được cả thịt, cá…
- Máy xay có cối đi kèm: Khi sử dụng, lắp cối vào để xay thịt, cá (có thiết kế lưỡi dao riêng). Không lắp cối thì sẽ để xay hoa quả, rau củ cho bé.
5. Phụ kiện chế biến khác
Ngoài nồi, chảo, thớt, những đồ dùng khác mẹ cần chuẩn bị để hỗ trợ việc chế biến món ăn dặm cho bé khác như:
- Dao thái (2 loại: Dao thái đồ sống và dao thái đồ chín)
- Dao nạo vỏ, dao cắt răng cưa (Giúp bé dễ dàng cầm nắm đồ ăn hơn)
- Kéo
- Chày, cối
- Dụng cụ ép tỏi
- Bàn nạo: Bé mới tập ăn dặm sẽ cần ăn đồ ăn được xay nhuyễn, thái mỏng bởi vậy, bàn nào là rất cần thiết giúp nạo nhỏ đồ ăn trước khi chế biến.
- Khay đá trữ đông: Chia thức ăn và để trữ đông sau khi nấu.
- Màng nilon bọc thực phẩm: Màng nilon được sử dụng để bọc quay khay đá khi trữ đông và để bọc bát đựng những viên đồ ăn được trữ đông khi rã đông.
- Túi nilon để trữ đông thực phẩm: Sau khi thức ăn được trữ đông trong khay đá đông lại thì gỡ ra và cho vào từng túi nilon trữ đông.
- Hộp chia có nắp loại nhỏ
- Hộp đựng loại nhỏ: (có hoặc không).
- Thìa đong: (có hoặc không) để ước lượng lượng thức ăn cần cho bé. Tuy nhiên, loại đồ dùng này lại không cần thiết cho các bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW.
- Dĩa: được sử dụng để nghiền đồ ăn. Ngoài ra, để nghiền đồ ăn, mẹ cũng có thể sử dụng thìa.
Đồ dùng cho bé tập ăn dặm
Ngoài những đồ dùng chế biến món ăn cho bé, mẹ cũng cần chuẩn bị những đồ dùng cho bé tập ăn dặm như bát ăn dặm, thìa ăn dặm, ghế ăn dặm…
6. Các loại bát ăn dặm, đĩa, thìa cho bé
Khi cho bé tập ăn dặm, để tạo sự thích thú, tò mò cho bé. Mẹ cũng nên chọn mua những loại bát ăn dặm bằng nhựa có hình dễ thương hoặc chọn mua những chiếc nồi gốm loại nhỏ, chống dính và có nắp đậy. Loại nồi này, mẹ vừa có thể sử dụng để đun đồ ăn trên bếp, vừa có thể sử dụng để cho bé ăn luôn mà không cần phải cho ra bát, đĩa ăn dặm.
Thìa ăn dặm để bón cho bé hoặc để bé tự cầm xúc thức ăn(khi bé ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm BLW). Nên mua nhiều hơn 1 chiếc để khi con tập ăn làm rơi thìa thì còn có thìa khác để thay thế.
7. Bình hút, cốc nhựa loại nhỏ
2 gợi ý cho các mẹ đó là chọn loại cốc mỏ vịt hoặc cốc có ống hút. Nên chọn loại cốc có tay cầm 2 bên để bé có thể tự cầm nắm dễ dàng.
8. Ghế tập ăn cho bé
Ghế tập ăn cho bé là một đồ dùng cần thiết cho bé vừa giúp bé rèn luyện kỹ năng ngồi, vừa giúp bé cảm thấy thích thú hơn khi được ngồi ăn với các thành viên khác trong gia đình. Những chiếc ghế ăn dặm là rất quan trọng đối với những mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm tự chỉ huy (BLW) cho bé, giúp bé rèn luyện tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Nên chọn loại ghế ăn dặm an toàn, vừa với con và dễ dàng vệ sinh.
9. Yếm cho bé tập ăn dặm
Để đồ ăn không bị dính vào quần áo, rơi vãi ra nhà thì mẹ nên mua yếm ăn dặm cho bé. Nên chọn loại yếm có thiết kế phần hứng đồ ăn phía dưới.
10. Khăn xô, khăn ướt
Trong lúc con ăn, mẹ không nên lau miệng cho con bởi khi đang ăn, thức ăn rây ra quanh miệng sẽ kích thích con ăn ngon miệng hơn. Khi tay bé dính bẩn, dính quá thì mẹ cũng nên lau tay để con cầm đồ ăn dễ dàng hơn. Nếu chọn khăn ướt, nên chọn khăn ướt LEC với thành phần 99,9% nước tinh khiết.
Trên đây là tổng hợp những đồ dùng cần thiết cho bé khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Mong rằng những thông tin chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các mẹ trong suốt quá trình cho bé ăn dặm.
CÓ THỂ MẸ QUAN TÂM:
- Bánh ăn dặm có tác dụng gì đối với trẻ ăn dặm?
- [Gợi ý] 6 món cháo ăn dặm với khoai tây giàu dinh dưỡng cho bé