Nội dung bài viết
Táo bón là một trong những nỗi sợ hãi của nhiều mẹ khi mang bầu, bởi tình trạng này không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể mà còn kéo theo nhiều bệnh lý khác, thậm chí nguy hiểm cho cả thai nhi. Tuy nhiên, chưa có nhiều mẹ hiểu biết sâu sắc về táo bón khi mang bầu, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh và điều trị để có một thai kỳ khoẻ mạnh. Hôm nay Blog Mẹ yêu con sẽ chia sẻ với các mẹ toàn bộ kiến thức chính xác nhất về tình trạng bà bầu bị táo bón.
Nguyên nhân bà bầu bị táo bón là gì?
Bà bầu bị táo bón xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, biết được chính xác nguyên nhân gây táo bón là gì sẽ giúp các mẹ tự bảo vệ sức khoẻ cho mình và thai nhi khi mang bầu.
- Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân đầu tiên gây ra hiện tượng táo bón thai kỳ, lượng hoocmon progesterone tiết ra quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hoá, nhu động ruột khiến việc tiêu hoá chậm lại. Khi thai nhi phát triển ngày càng lớn cũng thu hẹp không gian của đường tiêu hoá ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá của mẹ.
- Bà bầu bị táo bón trong 3 tháng đầu là do việc nôn nghén gây mất nước dẫn đến táo bón
- Bà bầu bị táo bón 3 tháng cuối có thể do bụng to và nặng, chân sưng nên lười vận động và di chuyển
- Trong thai kỳ, việc bổ sung các viên uống canxi hay sắt cũng gây ra táo bón
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học, thiếu các chất xơ trong rau củ quả
Sau khi đã xác định được nguyên nhân bà bầu bị táo bón, hãy cùng tìm hiểu tác động của táo bón đối với phụ nữ mang thai.
Bà bầu bị táo bón có ảnh hưởng gì không?
Táo bón tuy không quá nguy hiểm như những bệnh lý khác nhưng lại gây ra sự khó chịu, suy giảm chất lượng cuộc sống của mẹ bầu sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi. Một số hậu quả của tình trạng táo bón kéo dài và trầm trọng, các mẹ bầu cần hết sức lưu ý như:
- Gây ra bệnh trĩ khi mang thai, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, đau rát hậu môn….
- Gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, suy dinh dưỡng
- Các chất độc trong phân như phenol, amoniac, indol… nếu tồn tại quá lâu trong cơ thể sẽ hấp thu vào máu và lan truyền khắp cơ thể dẫn tới tình trạng nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Bà bầu bị táo bón vào 3 tháng cuối khi đi vệ sinh phải dùng lực để rặn dễ gây co thắt tử cung và sinh non…
Như vậy, táo bón tưởng chừng như hiện tượng phổ biến nhưng ở mẹ bầu lại trở nên nghiêm trọng hơn và để lại những hậu quả khó lường. Vì vậy, các mẹ bầu hãy cố gắng thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, vận động mỗi ngày theo lời khuyên của các bác sĩ dưới đây để phòng tránh và hạn chế tình trạng táo bón khi mang bầu.
Làm gì khi bà bầu bị táo bón?
Có rất nhiều cách giúp mẹ bầu giảm thiểu tình trạng táo bón thai kỳ để luôn cảm thấy thoải mái, khoẻ mạnh như:
– Uống đủ mỗi ngày 2.5-3 lít nước lọc. Trong 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ, các mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều đặc biệt vào ban đêm nên thường có tâm lý ngại uống nước. Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm, khiến cho cơ thể mất nước và dẫn đến táo bón. Nước còn cần thiết cho việc hấp thu chất xơ.
– Bổ sung men tiêu hoá probiotic hay prebiotic để tăng sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trình quá trình lên men tại ruột già
– Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh vào thực đơn hàng ngày để tăng cường chất xơ như: khoai lang, bí đỏ, cà rốt, rau bina, bông cải xanh…
– Khi ăn, mẹ bầu nên ăn chậm, nhai kỹ và chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa mỗi ngày để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày cũng như hệ tiêu hoá
– Không nên ăn thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, nước uống lợi tiểu như trà, cà phê, nước ngọt, rượu bi… vì chúng có thể khử nước của cơ thể khiến táo bón thêm trầm trọng.
– Cần uống bổ sung canxi và sắt theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp uống nhiều nước và thực phẩm rau củ quả để giảm táo bón gây ra cho canxi và sắt.
– Thường xuyên vận động mỗi ngày bằng các bài tập nhẹ nhàng, đi bộ hoặc yoga… giúp nhu động ruột tăng cường co bóp, giảm táo bón
– Tập cho mình thói quen đi vệ sinh đúng giờ, không nhịn đại tiện vì sẽ khiến cho phân cứng và gây ra táo bón trầm trọng.
– Thay đổi tư thế khi đi ngoài: Nghiêng người về phía trước và chống khuỷ tay lên đầu gối
Với những kiến thức trên đây, hy vọng các mẹ đã có những hiểu biết đầy đủ về tình trạng táo bón thai kỳ và có một chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện phù hợp để hạn chế táo bón, trải qua một thai kỳ khoẻ mạnh vui vẻ chờ đón bé yêu chào đời.