Trứng vịt lộn là món ăn khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lo lắng không biết có nên ăn trứng vịt lộn không bởi có những lời đồn thổi rằng khi mang thai ăn trứng vịt lộn, con sinh ra sẽ nhiều tóc, nhiều lông hay bị hen. Vậy sự thật về việc phụ nữ mang thai ăn trứng vịt lộn như thế nào, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu nhé!
Phụ nữ mang thai có ăn được trứng vịt lộn không?
Chưa hề có kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh những quan niệm dân gian về việc mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sinh con ra tóc đen dài, xinh xắn, trắng trẻo hay bị hen. Trẻ có da trắng, tóc dài là do gen của bố mẹ, bé không may bị hen là do di truyền hoặc yếu tố môi trường, hoàn toàn không liên quan gì đến việc mẹ ăn trứng vịt lộn khi mang thai.
Ngược lại, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng trong trứng vịt lộn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi như: protein, canxi, photpho, sắt, lipid, vitamin A, B1, B2, C, PP. Trứng vịt lộn là bài thuốc bổ máu, ích trí và bồi bổ năng lượng cho cơ thể. Với hàm lượng chất sắt cao hơn nhiều trứng gà, mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin A trong trứng vịt lộn có vai trò trong qúa trình phát triển tim, gan, phổi, thận, mắt, xương của thai nhi. Lượng canxi dồi dào tới 82mg trong 1 quả trứng vịt lộn giúp thai nhi tăng cân tốt, đạt các chỉ số tiêu chuẩn trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng trứng vịt lộn. Không phải cứ ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ là tốt cho thai nhi. Việc chỉ tập trung vào một hay một nhóm thực phẩm trong suốt thai kỳ để cải thiện chiều cao của trẻ sau này là điều hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt, tình trạng có thể nguy hiểm hơn nếu như bà bầu ăn quá nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày. Việc ăn quá nhiều trứng vịt lộn sẽ làm gia tăng nguy cơ nạp nhiều cholesterol xấu cho cơ thể khiến các mẹ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường thai kỳ, bệnh cao huyết áp thai kỳ.
Bởi vậy, khi mang thai, mẹ bầu cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng sẽ giúp mẹ khoẻ mạnh và con phát triển tối ưu nhất.
Những lưu ý khi ăn trứng vịt lộn mẹ bầu cần nhớ
Bất kể món ăn nào dù có tốt đến đâu nhưng khi ăn vẫn cần nhớ 1 số chú ý để tận dụng được tối đa chất dinh dưỡng và tránh những tác dụng ngược không đáng có. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ bầu khi ăn trứng vịt lộn:
– Không ăn quá nhiều, liên tục trong nhiều ngày, không ăn quá 3 quả trong 1 tuần.
– Không ăn trứng vịt lộn vào buổi tối, trước khi đi ngủ bởi trong trứng vịt lộn có lượng đạm cao sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Không ăn kèm với rau răm khi ăn trứng vịt lộn, bởi trong rau răm có chứa chất kích thích tử cung co bóp dễ gây ra sẩy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thay vào đó, mẹ có thể ăn trứng vịt lộn với gừng thái sợi.
– Hạn chế bổ sung thêm vitamin A hoặc các thực phẩm giàu vitamin A khác như gan động vật khi đã ăn trứng vịt lộn vì dễ bị thừa vitamin.
– Nếu mẹ bầu đang gặp các bệnh tiểu đường thai kỳ, huyết áp, tim mạch không nên ăn trứng vịt lộn vì lượng cholesterol cao sẽ gây tắc động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
– Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng.
– Thời điểm tốt nhất để ăn trứng vịt lộn là 3 tháng giữa thai kỳ. Tránh ăn trứng vịt lộn vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối do trứng vịt lộn chứa nguồn năng lượng qúa dồi dào không phù hợp với 2 giai đoạn này.
– Rửa sạch và nấu chín trứng vịt lộn trước khi ăn.
Bên cạnh đó, mẹ bầu vẫn cần bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm theo tháp dinh dưỡng và chia nhỏ các bữa ăn để có một cơ thể khoẻ mạnh, nuôi dưỡng thai nhi thật tốt và một thai kỳ đáng nhớ.