Nội dung bài viết
Vào những tuần cuối thai kỳ, các dấu hiệu chuẩn bị sinh con dần dần xuất hiện khiến mẹ bầu càng thêm hồi hộp, lo lắng. Mặc dù đã có ngày dự sinh nhưng bé có thể chào đời bất cứ lúc nào mà không theo kế hoạch. Để giúp mẹ an tâm và sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ chào đời, Blog Mẹ yêu con sẽ chia sẻ tới các mẹ bầu những điều cần biết về dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, cách nhận biết, thời gian diễn ra chuyển dạ trong bài viết dưới đây.
Chuyển dạ sắp sinh là gì?
Chuyển dạ sắp sinh là một quá trình sinh lý làm cho thai và các phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Chuyển dạ đủ tháng khi người mẹ có dấu hiệu chuyển dạ từ tuần 38 – 42 là lúc thai nhi đã có khả năng phát triển độc lập ở môi trường ngoài tử cung.
Chuyển dạ sinh non là khi thai nhi ở tuần 22 đến 37, khi bé sinh ở giai đoạn này cần được chăm sóc đặc biệt dành riêng cho trẻ sinh non.
Chuyển dạ sinh già khi thai nhi lớn hơn tuần 42.
Các loại chuyển dạ sắp sinh
Hiện có 2 loại chuyển dạ sắp sinh là chuyển dạ giả (tiền chuyển dạ) và chuyển dạ thực sự. Vậy chuyển dạ giả và chuyển dạ thật có gì khác nhau và chuyển dạ giả cách chuyển dạ thật bao lâu?
1. Chuyển dạ giả/ tiền chuyển dạ
Tiền chuyển dạ hay còn gọi là chuyển dạ giả là là giai đoạn mẹ bầu cảm nhận được những cơn co thắt tử cung nhẹ diễn ra trong khoảng vài tuần trước khi diễn ra chuyển dạ thật sự. Các cơn co này được gọi là cơn co Braxton Hicks – chuyển dạ giả.
Một số dấu hiệu dưới đây sẽ giúp các mẹ nhận biết chuyển dạ giả: Các cơn co thắt tử cung có thể dữ dội hoặc nhẹ, thường xuất hiện vùng phía trước bụng và xương chậu; xuất hiện đột ngột rồi biến mất, không liên tiếp, không tăng lên và cũng không mạnh lên theo thời gian; có thể giảm khi thay đổi tư thế; không làm cổ tử cung giãn mở.
2. Chuyển dạ thật sự
Dấu hiệu chuyển dạ thật sự diễn ra trong vòng 8 – 24h trước khi sinh với những biểu hiện như:
– Cơn đau chuyển dạ thật sự: Cơn co thắt đau âm ỉ ở vùng vụng dưới, lưng, xương chậu, mỗi lúc tần suất các cơn đau càng tăng lên và mạnh hơn; không giảm đau dù thay đổi tư thế.
– Ra dịch nhầy hồng âm đạo: ra chất nhớt hồng hay có máu
– Đầu ối được thành lập: Ra nước loãng âm đạo – đột ngột thấy ra nước nhiều ở âm đạo, nước loãng thường trắng đục và có mùi tanh, sau đó tiếp tục rỉ ra.
– Có sự tiến triển của ngôi thai sau mỗi cơn co tử cung.
3. Chuyển dạ giả cách chuyển dạ thật bao lâu?
Chuyển dạ giả sẽ diễn ra vài tuần trước khi xuất hiện chuyển dạ thật. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh trên đây, các mẹ bầu hãy nhập viện khám ngay để đảm bảo mẹ tròn, con vuông nhé.
Các giai đoạn đau chuyển dạ
Giai đoạn 1: Xoá mở cổ tử cung
- Giai đoạn la (tiềm thời): Tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở 4cm, giai đoạn này cho phép kéo dài 8-10 giờ.
- Giai đoạn Ib (hoạt động): Tính từ khi cổ tử cung mở >4cm đến khi mở hết (10cm). Giai đoạn này cho phép kéo dài 7 giờ.
Đây là giai đoạn kéo dài nhất và cũng gây đau đớn nhất cho người mẹ.
Giai đoạn 2: Sổ thai, tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi sổ thai. Giai đoạn này cho phép tối đa 1 giờ.
Ở giai đoạn này vẫn diễn ra các cơn đau co thắt nhưng mức độ đã giảm hơn so với giai đoạn 1.
Giai đoạn 3: Sổ nhau thai. Khi em bé đã chào đời thì cổ tử cung vẫn tiếp tục co bóp để sổ nhau thai, tính từ khi thai sổ đến khi nhau sổ ra ngoài. Giai đoạn này cho phép tối đa 1 giờ. Lúc này, mức độ đau chỉ như các cơn đau bụng kinh nguyệt nên các mẹ hãy cố gắng rặn để đẩy hết nhau thai ra ngoài.
Đau chuyển dạ bao lâu thì sinh
Tuỳ vào cơ địa mỗi người mà thời gian chuyển dạ sinh sẽ khác nhau. Có những mẹ sẽ sinh ngay sau khi xuất hiện những triệu chứng chuyển dạ nhưng cũng có trường hợp phải chờ từ 5-14 tiếng sau mới sinh con. Thời gian chuyển dạ sinh con so sẽ lâu hơn.
- Con so: Trung bình 16-24h
- Con rạ: Trung bình 8-12 giờ
Chuyển dạ kéo dài là khi thời gian chuyển dạ thật trên 24h, em bé chưa được sinh ra sau 20h có những cơn co thắt tử cung. Nguyên nhân có thể là do em bé quá to không thể chui qua âm đạo, em bé ở tư thế khác thường (thường thì bé sẽ được sinh ra trong tư thế đầu ra trước và quay mặt về phía lưng mẹ); đường âm đạo quá nhỏ nên bé không thể chui lọt; các cơn co tử cung quá yếu.
Nếu tình trạng chuyển dạ kéo dài, sẽ làm tăng khả năng sinh mổ và có thể gây ra các nguy cơ cho mẹ và bé như: thiếu oxy, gây ngạt cho bé; nhịp tim thai bất thường; sinh ra các chất bất thường trong nước ối; nhiễm trùng tử cung và đường sinh sản.
Khi đánh giá thai phụ đang chuyển dạ kéo dài, các bác sĩ và y tá sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp y tế hỗ trợ mẹ sinh con. Vì vậy, nếu có chuyển dạ kéo dài, các mẹ cũng hãy bình tĩnh vì đã có các y bác sĩ hỗ trợ kịp thời để bảo vệ cả mẹ và con.
Dấu hiệu nhận biết chuyển dạ con so là gì?
Sinh con so hiểu đơn giản là sinh con lần đầu. Thường thì sinh con lần đầu sẽ sinh sớm hơn khoảng 1 – 2 tuần so với dự kiến sinh, thường là khoảng tuần 37 – 39. Vậy dấu hiệu nào giúp mẹ nhận biết chuyển dạ con so thường gặp?
1. Bung nhớt hồng
Trong suốt thời gian mang thai, tại vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy vứng chắc. Bên cạnh lớp cơ thành tử cung, lớp màng ối thì nút nhầy này có tác dụng như là một hàng rào bảo vệ thai nhi được an toàn, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hay các lực tác động cơ học từ bên ngoài vào buồng ối.
Bởi vậy, khi sắp sinh, cổ tử cung sẽ bắt đầu mở ra là thời điểm nút nhầy bung ra và thoát ra ngoài cửa âm đạo, có màu hồng. Đây chính là dấu hiệu báo hiệu thời khắc chuyển dạ chính thức chuẩn bị bắt đầu.
2. Xuất hiện các cơn gò tử cung
Không giống như các cơn trằn khắp bụng khi mẹ di chuyển hoặc cử động mạnh thường xuất hiện ở tháng cuối của thai kỳ. Các cơn gò tử cung thường xuất hiện vào tuần 38 đến 40, các cơn gò sẽ khởi động rõ ràng hơn cho chu kỳ tăng cần về cường độ lẫn tần số. Mẹ sẽ cảm nhận được cơn đau nhiều, đau khắp bụng, căng cứng bụng.
Việc chuyển dạ sinh con so thường sẽ đau đơn hơn so với sinh con rạ bởi các cơn gò tử cung thường xuất hiện nhiều hơn. Nguyên nhân là do tầng sinh môn và cổ tử cung khi sinh lần đầu thường vững chắc hơn. Bởi vậy mà để có thể đảm bảo xoá mở được cổ tử cung và tống xuất thai ra ngoài đòi hỏi các cơn gò cần đạt được một mức độ hiệu quả về cường đồ, thời gian và tần xuất.
3. Chảy nước ối
Do tác động của các cơn gò tử cung sắp sinh gâp áp lực trong buồng tử cung tăng lên đến đỉnh điểm, đầu thai di chuyển xuống tạo thành đầu ối. Khi đầu ối căng phồng tại vị trí tiếp giáp với cổ tử cung, đây chính là vị trí màng ối là mỏng nhất, dễ vỡ nhất. Khi mà màng ối vỡ sẽ xuất hiện một lượng nước ối trong cổ tử cung chảy ra ngoài.
4. Những thay đổi qua thăm khám âm đạo
Việc thăm khám âm đạo là một dấu hiệu nhận biết chuyển dạ sắp sinh thực tế và khách quan nhất. Các điểm cần ghi nhận là sự thay đổi cổ tử cung. Khi sắp sinh, cổ tử cung xoá và mở dần dưới tác động của các cơn gò, đầu ối thai nhi được tạo thành và có sự tiến triển của ngôi thai sau mỗi cơn co tử cung.
Nếu như mẹ thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu chuyển dạ con so trên, mẹ cần được đưa ngay đến bệnh viện để được theo dõi quá trình chuyển dạ và được giúp đỡ từ các bác sỹ có kinh nghiệm.
Cách giảm đau khi chuyển dạ sắp sinh
Để giảm bớt những cơn đau chuyển dạ sắp sinh, các mẹ có thể thực hiện 1 số cách sau:
- Đi dạo, đi bộ
- Thư giãn đầu óc
- Ngủ đủ giấc, giữ cho cơ thể không mệt mỏi để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn
- Massage cơ thể nhẹ nhàng
- Tắm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm
- Trò chuyện với người thân, gia đình, bạn bè để bớt lo nghĩ, sợ hãi
Hy vọng với những kiến thức trên đây về chuyển dạ sắp sinh, các mẹ bầu đã có thêm kiến thức bổ ích để an tâm chuẩn bị đủ cả tinh thần và vật chất vượt cạn thành công, an toàn, nhanh chóng. Chúc mẹ tròn con vuông!