Nội dung bài viết
Cũng như tiểu đường thai kỳ, thiếu máu là một trong những tình trạng thường gặp ở đa số các mẹ bầu. Bà bầu bị thiếu máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vậy vì sao mẹ bầu thường bị thiếu máu, dấu hiệu nhận biết, những biến chứng và phòng tránh cũng như điều trị khi bị thiếu máu là gì có lẽ là câu hỏi của rất nhiều mẹ đang hoặc sắp mang bầu. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ giải đáp các thắc mắc trên để có một thai kỳ khoẻ mạnh và vượt cạn thành công.
Thiếu máu khi mang thai và những điều mẹ bầu cần biết
1. Bà bầu bị thiếu máu có nguy hiểm không?
Bà bầu bị thiếu máu nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: nguy cơ sảy thai cao, nhau tiền đạo, bong nhau non, huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, vỡ ối sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… Đối với thai nhi, nếu mẹ bị thiếu máu dẫn đến thiếu acid folic sẽ gây ra các dị tật ống thần kinh cho bé, con sinh ra bị thiếu máu, suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển, hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh tim mạch hơn các trẻ không bị thiếu máu.
Vì vậy, phát hiện sớm tình trạng thiếu máu để có cách điều trị kịp thời là rất quan trọng. Các xét nghiệm tình trạng thiếu máu sẽ được thực hiện ở tuần đầu, tuần thứ 12, thứ 20 của thai kỳ.
2. Nguyên nhân khiến bà bầu bị thiếu máu
Phụ nữ bình thường đã có tỷ lệ thiếu máu cao do lượng sắt hấp thu qua thực phẩm hàng ngày rất nhỏ chỉ khoảng 5% không đủ để đáp ứng cho nhu cầu cơ thể. Khi mang thai, mẹ bầu cần một lượng sắt rất nhiều để cung cấp cho thai nhi vì vậy tình trạng thiếu máu lại càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, phụ nữ sống ở những vùng miền núi, nông thôn điều kiện còn khó khăn sẽ có tỷ lệ bị thiếu máu cao do chế độ ăn uống không đầy đủ. Vì vậy, nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị thiếu máu là do thiếu vi chất sắt và acid folic – những thành phần để chính tạo ra máu.
Ngoài ra còn có những triệu chứng biểu hiện ra ngoài dưới đây, mẹ bầu cũng nên chú ý.
3. Dấu hiệu nhận biết bị thiếu máu khi mang thai
Thiếu máu khi mang thai thường xuất hiện ở các giai đoạn giữa và cuối chu kỳ khi thai nhi phát triển lớn hơn và cần cung cấp một lượng sắt nhiều hơn. Một số triệu chứng thường thấy khi bị thiếu máu là cảm giác mệt mỏi, chóng mặt. Mẹ bầu thiếu máu cũng sẽ thấy da dẻ xanh xao hơn, đặc biệt ở đầu ngón tay, dưới mi mắt và môi.
Bên cạnh đó là các triệu chứng tim đập nhanh, mạnh, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, khó chịu và mất tập trung. Nếu tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở mức độ trầm trọng, các mẹ bầu sẽ mắc phải hội chứng Mica, thấy thèm ăn những thứ như nước đá, giấy, đất sét. Khi đó mẹ cần đến gặp ngay bác sĩ để điều trị kịp thời nhé.
4. Bà bầu bị thiếu máu nên ăn gì?
Bổ sung thực phẩm giàu sắt là một trong những biện pháp để phòng ngừa và hạn chế tình trạng thiếu máu thai kỳ. Các loại thực phẩm giàu sắt mà mẹ nên ăn có thể kể đến như: Thịt bò; gan động vật; các loại hạt chứa nhiều sắt (hạnh nhân, đậu phộng, hạt vừng… không chỉ chứa nhiều chất sắt mà còn chứa omega 3 rất tốt cho sự phát triển của não bộ thai nhi); rau xanh (cần tây, rau bina, súp lơ xanh, củ cải đường… cung cấp các vi khoáng quan trọng khác như canxi, acid folic, chất xơ); các loại trái cây (nho, sung, lựu…).
Bên cạnh đó, mẹ bầu bị thiếu máu nên bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng cách uống nước cam, các loại quả tốt cho bà bầu như dâu tây, kiwi… vitamin C không chỉ làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng, chống oxy hoá rất tốt.
- Tham khảo: 6 loại nước uống tốt cho bà bầu và thai nhi
Bên cạnh chế độ ăn uống giàu chất sắt, mẹ bầu có thể bổ sung bằng các loại viên uống. Tuy nhiên việc này cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn. Một số chú ý mẹ bầu bị thiếu máu cần nhớ khi uống viên sắt như sau:
- Nên uống viên sắt khi đói, không nên uống trà, cà phê hay sữa trước khi uống sắt vì chúng sẽ làm cản trở quá trình hấp thu sắt. Mẹ có thể uống viên sắt cùng nước lọc hoặc nước cam.
- Khi uống sắt, mẹ có thể bị táo bón nên cần ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước mỗi ngày.
- Nếu nhà có trẻ nhỏ, mẹ nên để viên sắt tránh xa tầm tay trẻ em bởi nếu uống phải với liều lượng cao có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong.
Khi có dấu hiệu của thiếu máu hoặc bị chẩn đoán thiếu máu, mẹ bầu cũng đừng nên lo lắng quá bởi tình trạng này hoàn toàn có thể được điều trị bởi các bác sĩ cùng một chế độ ăn uống giàu chất sắt. Sau khi điều trị vài tuần, nồng độ sắt trong máu sẽ trở về bìng thường nhưng mẹ vẫn nên tiếp tục bổ sung thêm để tăng nguồn dự trữ sắt cho cơ thể.
Như vậy, bà bầu bị thiếu sắt là một trong những tình trạng phổ biến thường gặp ở phụ nữ mang bầu, tuy có những biến chứng nguy hiểm nhưng với sự phát triển của y tế và một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp mẹ điều trị được bệnh thiếu máu thai kỳ và giúp mẹ an tâm chờ bé chào đời.
CÓ THỂ MẸ QUAN TÂM: