Nội dung bài viết
Bị chuột rút là tình trạng phổ biến các mẹ bầu thường gặp phải trong suốt thai kỳ. Chuột rút thông thường sẽ khiến mẹ bầu mất ngủ vào ban đêm nhưng không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sẽ tự hết sau khi sinh con. Tuy nhiên, khi chuột rút đi cùng với các hiện tượng ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng… thì mẹ bầu cần phải chú ý đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân khiến bà bầu bị chuột rút và cách khắc phục như thế nào? Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết hôm nay của Blog Mẹ yêu con.
Chuột rút là gì?
Chuột rút còn có tên khác là vọp bẻ, là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Chuột rút thường xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân hoặc cơ bụng. Chuột rút có thể bắt đầu gây khó chịu từ tháng thứ 3 của thai kỳ và xuất hiện thường xuyên hơn khi thai nhi lớn dần.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị chuột rút khi mang thai?
– Thay đổi lưu thông máu khi mang thai: Càng vào những cuối thai kỳ, lưu lượng máu của mẹ bầu sẽ gia tăng dẫn đến tuần hoàn máu chậm lại gây ra hiện tượng sưng phồng và chuột rút ở mẹ bầu.
– Tăng cân: Trọng lượng cơ thể của mẹ tăng cùng với sự phát triển của thai nhi gây áp lực lên các dây thần kinh, mạch máu và các cơ bắp ở chân.
– Thiếu canxi: Vào những tháng cuối, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Khi thiếu canxi, cơ thể của mẹ bầu sẽ tự rút canxi để truyền cho bé.
– Chứng huyết khối tĩnh mạch: Khi mang thai, phụ nữ bị hội chứng này cao gấp 5 đến 10 lần. Đây là hiện tượng đông máu, thường xuất phát ở một trong các tĩnh mạch sâu ở dưới chân. Dòng máu khi từ chân di chuyển về tim cần phải chống lại lực hấp dẫn, lại gặp phải áp lực của bụng đang ngày càng đè nặng xuống cộng với sự thay đổi mạnh mẽ của lượng máu và nội tiết tố trong cơ thể, tất cả làm cho quá trình tuần hoàn máu trở nên phức tạp hơn bình thường. Các triệu chứng của hội chứng huyết khối tĩnh mạch tương tự như chuột rút ở chân.
Dấu hiệu nhận biết chuột rút ở bà bầu
Vậy dấu hiệu nào để nhận biết bà bầu bị chuột rút khi mang thai?
- Chuột rút thường xuất hiện khi mẹ vừa bắt đầu giấc ngủ
- Chuột rút ở phụ nữ mang thai thường xuất hiện và gây khó chịu từ tháng thứ 3 của thai kỳ và các cơn đau do chuột rút sẽ xuất hiện thường xuyên hơn khi mà thai nhi lớn dần. Thường thì tình trạng chuột rút thường xảy ra cả ban ngày và nặng hơn vào ban đêm.
- Chuột rút chân khi mang thai thường gặp ở các vị trí như bắp chân (thường gặp nhất), bàn chân, đùi. Ngoài ra, tình trạng chuột rút còn có thể gặp ở tay, thân mình (ở bụng). Riêng đối với trường hợp bị chuột rút ở cơ bụng thì cần đặc biệt chú ý về có thể gây xảy thai.
- Ngoài việc cảm nhận các cơn đau khi bị chuột rút, các mẹ cũng có thể dễ dàng quan sát được một khối mô cứng bên dưới da vùng đang bị chuột rút.
- Trong trường hợp nếu các mẹ bị chuột rút kèm theo các triệu chứng như ra mát, đau mạnh ở vùng bụng hay trên đỉnh vai. Thân nhiệt tăng hay đau dữ dội ở phần bị đau thì phải nhanh chóng được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới thai nhi.
Chuột rút nguy hiểm khi nào?
Tình trạng chuột rút bình thường ngoài việc gây khó chịu và mệt mỏi thì không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu thấy chuột rút cơ bụng đi cùng với các triệu chứng sau đây, mẹ hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm bởi chúng có thể là những bệnh lý nguy hiểm:
- Cần cảnh giác nếu trong một giờ có hơn 6 cơn co thắt.
- Các cơn đau không giảm dần theo thời gian.
- Chuột rút đồng thời với các cơn chóng mặt, choáng váng hoặc chảy máu là dấu hiệu của có thai ngoài tử cung, nhau tiền đạo hoặc sảy thai.
- Cần thận trọng với bất kỳ cơ co thắt nào xảy ra liên tục khi mang thai.
- Co thắt đi cùng với đau bụng dữ dội và buồn nôn hoặc sốt, có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, sỏi thận hoặc túi mật.
- Khi thấy tiểu tiện khó khăn.
- Nếu cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng cao và không khoẻ.
- Khi mẹ bầu thấy đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai.
Mặc dù hiện tượng chuột rút hoàn toàn bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu sớm báo hiệu nguy cơ sẩy thai do sự đột biến nhiễm sắc thể, do trứng thụ tinh không nằm đúng tử cung mà lại nằm đâu đó trong khung xương chậu (mang thai ngoài tử cung). Vì vậy, các mẹ bầu nên đi khám sức khoẻ thường xuyên để được sớm phát hiện và điều trị.
Những biện pháp khắc phục tình trạng chuột rút khi mang thai
1. Căng cơ
Thực hiện động tác căng cơ bắp chân trước khi ngủ vào ban đêm có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt chuột rút ở chân. Các mẹ có thể thực hiện theo các bước sau:
- Đứng trước 1 bức tường, giơ tay hướng về bức tường, lòng bàn tay hướng vào tường
- Đặt chân phải phía sau, chân trái phía trước
- Từ từ di chuyển chân trái về phía sau trong khi chân phải vẫn giữ thẳng gối và chân vẫn chạm sàn
- Giữ tư thế căng cơ trong khoảng 30s, giữ lưng và hông hướng về phía sau. Phải chú ý không xoay chân và không đứng bằng ngón chân.
- Sau khoảng 30s thì đổi chân.
2. Uống đủ nước
Mẹ bầu hãy uống đủ 2,5-3l nước mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước, nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút khi mang thai.
3. Ngâm chân trong nước ấm
Chỉ cần ngâm chân với nước ấm pha thêm muối và gừng sẽ giúp mẹ tránh bị chuột rút vào ban đêm.
4. Xoa bóp chân
Mẹ có thể thực hiện các động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ 30s đến 1 phút từ đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu.
5. Vận động
Những hoạt động thể chất như tập yoga, đi bộ và bơi lội có thể ngăn ngừa tăng cân quá mức, thúc đẩy lưu thông máu và giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân.
6. Không ngồi 1 chỗ quá lâu
Ngồi hay đứng trong thời gian dài đều có thể gây ra chuột rút, vì vậy các mẹ hãy đứng dậy và đi bộ xung quanh trong khoảng 1-2 giờ.
7. Điều chỉnh tư thế ngủ
Khi nằm ngủ, mẹ hãy gác chân lên một chiếc gối cao mềm, nên nằm ngủ nghiêng bến trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là bắp chân.
8. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie, kali
Các chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, rau củ quả, chuối, nho khô, lê…Bởi vậy, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm này vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho bà bầu.
Tuy chuột rút là hiện tượng phổ biến ở mẹ bầu nhưng trong nhiều trường hợp lại là dấu hiệu của những bệnh lý, biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt trong những tháng đầu, nếu bất cứ khi nào cảm nhận thấy hiện tượng chuột rút, các mẹ hãy tới các trung tâm y tế uy tín để kiểm tra kỹ lưỡng nhé.