Nội dung bài viết
- Vì sao cần kiêng cữ sau sinh
- Thời gian kiêng cữ sau sinh
- Những điều cần kiêng cữ sau sinh
- 3.1. Chế độ dinh dưỡng sau sinh
- 3.2. Chế độ vận động, tập luyện
- 3.3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
- 3.4. Tránh xa các thiết bị điện tử
- 3.5. Không quan hệ tình dục sớm
- 3.6. Không tự ý uống thuốc
- 3.7. Không uống đồ uống có cồn, caffein
- 3.8 Không tắm nước lạnh
- 3.9 Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi
- Một số điều cần kiêng cữ thêm với các mẹ sinh mổ
Mang thai và sinh nở là một quá trình hao tổn nhiều sức khoẻ và tinh thần của người mẹ, bởi vậy sau khi sinh, các mẹ cần có một chế độ kiêng cữ cẩn thận để tránh những hậu quả đáng tiếc với sức khoẻ của mình. Các quan điểm về kiêng cữ sau sinh có sự khác nhau giữa các vùng miền, vậy kiêng cữ như thế nào là đúng khoa học và an toàn nhất? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây các mẹ nhé!
Vì sao cần kiêng cữ sau sinh
Khi sinh nở, người mẹ mất rất nhiều sức lực và mất nhiều máu nên cơ thể bị suy yếu, giảm sức đề kháng. Nếu không kiêng cữ sẽ dẫn đến những bệnh hậu sản sau này như rất dễ đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, hay ốm… Ngoài ra, một số chứng bệnh hậu sản thường gặp là đau nhức xương khớp, băng huyết, nhiễm trùng vết mổ…
Có rất nhiều quan điểm kiêng cữ sau sinh được ông bà ta truyền lại, tuy không phải quan điểm nào cũng đúng, nhưng không phải tất cả đều sai. Các mẹ nên chọn lọc những quan điểm phù hợp, mang tính khoa học và an toàn cho cả mẹ và bé.
Thời gian kiêng cữ sau sinh
Nếu các quan niệm dân gian cho rằng phụ nữ sau sinh cần kiêng cữ trong thời gian 3 tháng, phải ở trong phòng kín, tránh tiếp xúc với mọi người, tránh làm việc hoặc tắm rửa thì hiện nay theo các bác sĩ, các mẹ sau sinh chỉ cần kiêng cữ khoảng 1 tháng là đủ. Tuỳ vào sức khoẻ của bản thân mà các mẹ có thể tự cảm nhận được thời gian kiêng cữ phù hợp nhất.
Những điều cần kiêng cữ sau sinh
3.1. Chế độ dinh dưỡng sau sinh
Có nhiều quan điểm cho rằng phụ nữ sau sinh phải ăn thức ăn mặn và khô như thịt kho tiêu, cá bống kho, kiêng ăn rau, canh… để da thịt săn chắc. Tuy nhiên việc ăn quá mặn, thiếu rau xanh sẽ dẫn đến táo bón, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đồng thời việc kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến cơ thể mẹ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Vì vậy, các mẹ vẫn nên đảm bảo thực đơn ăn uống sau sinh dinh dưỡng, đủ chất, chỉ nên kiêng những đồ ăn như: đồ ăn lạnh, đồ ăn lên men như dưa chua, thức ăn để qua đêm, thức ăn tái sống, thực phẩm chế biến sẵn.
>> XEM THÊM:
- Phụ nữ sau sinh nên ăn gì để tốt cho cả mẹ và bé
- Phụ nữ sau sinh nên kiêng ăn gì tốt cho mẹ và bé?
- Sinh mổ có ăn được tôm không? Sau sinh ăn tôm có tốt không?
3.2. Chế độ vận động, tập luyện
Trong thời gian kiêng cữ, các mẹ tuyệt đối không tập luyện, vận động và làm việc nặng. Các động tác hoạt động mạnh như khiêng đồ nặng sẽ tác động đến vết mổ hoặc làm tổn thương tầng sinh môn chưa hồi phục, gây ra tình trạng sa tử cung. Các mẹ nên vận động tập thể dục từ từ, nhẹ nhàng và phải chú ý không làm ảnh hưởng đến vết mổ và vết rạch tầng sinh môn. Các mẹ sinh thường có thể vận động từ 2-3 ngày sau khi sinh nhưng các mẹ sinh mổ phải đợi 1 tháng sau hoặc đến khi vết thương lành mới tập luyện được.
3.3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Nước lạnh sẽ gây ê buốt răng nên các mẹ hãy súc miệng bằng nước ấm pha muối nhạt hoặc dùng nước muối sinh lý để tránh vi khuẩn lây sang bé.
3.4. Tránh xa các thiết bị điện tử
Lúc mới sinh, các mẹ cũng không nên sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính bảng… để tránh bị giảm thị lực sớm.
3.5. Không quan hệ tình dục sớm
Sau sinh bao lâu có thể quan hệ được? Các mẹ nên đợi sau ít nhất 6 tuần sau sinh khi cơ thể đã hồi phục mới được quan hệ tình dục để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu vùng kín nhé.
3.6. Không tự ý uống thuốc
Sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ, bất cứ việc dùng thuộc nào cũng cần được sự chỉ định của bác sĩ. Các mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trị mụn, chất kích thích hoocmon, thuốc điều trị bệnh cũng như thuốc ngủ, thuốc giảm đau… bởi em bé sẽ dung nạp các loại thuốc này qua sữa mẹ, không tốt cho sức khoẻ của bé.
3.7. Không uống đồ uống có cồn, caffein
Cũng giống như khi mang bầu, sau khi sinh các mẹ cũng cần tránh uống các loại đồ uống có cồn và cafein như rượu, bia, cà phê… bởi các chất này có thể khiến chị em bị huyết áp cao. Thức uống có cồn cũng làm giảm lượng sữa tiết ra. Caffein có thể qua sữa hấp thụ vào cơ thể bé khiến bé bị khó ngủ, trằn trọc.
3.8 Không tắm nước lạnh
Thông thường từ 3-4 ngày sau sinh, các mẹ có thể lau người, tắm rửa, vệ sin cơ thể nhưng phải sử dụng nước ấm trong phòng kín gió, không ngâm nước quá lâu để tránh bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh.
3.9 Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi
Việc nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc rất quan trọng với các mẹ sau sinh để giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm và giúp cơ thể tiết nhiều sữa hơn để nuôi con. Nếu việc chăm sóc bé quá bận rộn, mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của người thân hoặc thuê người giúp việc để có thời gian nghỉ ngơi nhé.
Một số điều cần kiêng cữ thêm với các mẹ sinh mổ
Ngoài những điều mà mẹ nào sau sinh cũng cần kiêng cữ ở trên, các mẹ sinh mổ còn phải lưu ý thêm những vấn đề dưới đây bởi việc phục hồi sau sinh mổ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn, nguy cơ nhiễm trùng, hậu sản cũng cao hơn.
4.1 Không khóc khi tắm
Nhiều mẹ sau sinh rất dễ bị tủi thân, buồn bực, thậm chí là trầm cảm sau sinh. Nhưng dù có chuyện gì, các mẹ cũng cố gắng không nên vừa tắm vừa khóc sẽ khiến nước mắt rơi vào vết mổ thì càng lâu lành.
4.2 Không để bị ho, viêm họng
Tốt nhất các mẹ hãy tránh để mình bị viêm họng hay bị ho. Nếu không may bị ho, các mẹ hãy dùng viên ngậm để giảm cơn ho rát bởi ho nhiều sẽ làm bục chỉ và vết thương lâu lành hơn.
4.3 Chú ý tư thế nằm
Các mẹ sinh mổ nên nằm hơi ngả lưng về phía sau và để bé nằm dọc theo chiều ở trên người mẹ để tránh bé động vào vết mổ trên bụng mẹ. Đồng thời, các mẹ có thể kê nhiều gối xung quanh để giảm đau khi cười nói, hắt hơi.
4.4 Không ăn các món gây sẹo lồi
Để vết mổ không bị mưng mủ hay sẹo lồi, các mẹ nên kiêng ăn các thực phẩm như: rau muống, đồ nếp, lòng trắng trứng gà…
4.5 Không cố kéo bụng để nhìn vết khâu
Việc cố kéo bụng để xem vết thương sẽ khiến cho vết khâu bị chảy máu và lâu khỏi. Các mẹ nên nhờ người nhà quan sát và thay băng hộ nhé.
Như vậy, kiêng cữ sau sinh là điều rất quan trọng để bảo đảm sự phục hồi sức khoẻ tốt nhất cho các mẹ sau cuộc vượt cạn vất vả. Tuy nhiên, các mẹ hãy sáng suốt lựa chọn những cách kiêng cữ sau sinh phù hợp và an toàn nhất nhé!
>> Xem thêm: 6 loại sữa cho mẹ sau sinh tốt và giàu dinh dưỡng