Nội dung bài viết
Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm tăng trưởng và bị hạn chế về khả năng hoạt động thể lực. Nặng hơn, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, trí thông minh và có thể mắc nhiều bệnh tật. Nội dung bài chia sẻ này, các mẹ hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là tình trạng thiếu hụt protein, vitamin và các khoáng chất. Suy dinh dưỡng khiến cơ thể bị suy giảm hoạt động của các cơ quan thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi 6 – 24 tháng tuổi có nhu cầu về dinh dưỡng rất cao.
Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm tăng trưởng và bị hạn chế về khả năng hoạt động thể lực. Nặng hơn, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, trí thông minh và có thể mắc nhiều bệnh tật. Để có thể đánh giá một bé thế nào là suy dinh dưỡng, chúng ta thường dựa vào các chỉ số là:
- Cân nặng theo tuổi
- Chiều cao theo tuổi
- Cân nặng theo chiều cao
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Trẻ mắc suy dinh dưỡng có thể do một số nguyên nhân sau:
- Bữa ăn không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng: Đây được xem là nguyên nhân chính khiến trẻ bị suy dinh dưỡng ở các quốc gia nghèo.
- Khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém: nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý đường tiêu hoá hoặc sau một đợt ốm nặng.
- Vấn đề về sức khỏe tinh thần: Khi bị ép ăn, trẻ sẽ có tâm lý sợ hãi mỗi khi ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bé chán ăn và dẫn tới triệu chứng suy dinh dưỡng. Bởi vậy mà hiện nay, các bé trong độ tuổi ăn dặm được ăn theo nhu cầu cá nhân, được tự quyết định việc ăn dặm từ việc ăn gì, ăn như thế nào và ăn bao nhiêu.
- Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mẹ cho bé ăn dặm quá sớm: sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và tối ưu nhất cho trẻ sơ sinh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời. Trẻ không được bú mẹ trong 6 tháng đầu đời dễ dẫn tới suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng
Chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đối với trẻ sơ sinh, cân nặng trung bình của trẻ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh là 3kg và cao 50cm. Nếu như chỉ số cân năng và chiều cao không đạt mốc tiêu chuẩn này thì có thể là do bé sinh thiếu tháng hoặc bé bị suy dinh dưỡng bào thai.
Để nắm rõ hơn về chỉ số chiều cao, cân nặng của bé theo độ tuổi, mẹ hãy cùng theo dõi bảng chỉ số phía dưới nhé.
Hiện, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ được phân loại thành 3 thể như sau:
- Thể nhẹ cân hay cân nặng theo tuổi thấp: Phản ánh quá trình tăng trưởng chậm trong tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hay tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đó.
- Thể thấp còi: đây là biểu hiện của sự chậm phát triển kéo dài hoặc là dấu hiệu của sự chậm lớn trong quá khứ. Do sự chậm tăng trưởng khiến chiều cao của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn chiều cao trung bình.
- Thể gầy còm: Phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do không tăng cân hoặc đang tụt cân. Xảy ra khi chỉ tiêu cân nặng của bé theo chiều cao tụt xuống thấp, có ý nghĩa so với trị số trung bình.
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng cần được cha mẹ chăm sóc một cách kỹ lưỡng về mọi mặt như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, chăm sóc về tâm lý, điều trị bệnh (nếu có). Ngoài ra, nên cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít để có thể đảm bảo số lượng dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày đồng thời đảm bảo nguồn năng lượng cho bé cao hơn bình thường.
Cách phòng ngừa, điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Để phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Ba mẹ hãy chú ý một số điều sau:
- Mẹ cần phải cho bé bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất khi bé được 2 tuổi. Chỉ cho bé sử dụng sữa công thức khi mẹ không đủ sữa cho bé.
- Cho trẻ bú mẹ đúng cách.
- Đa dạng món ăn của bé với nhiều loại thực phẩm khác nhau vừa kích thích trí tò mò của bé, vừa khiến bé cảm thấy ăn ngon miệng hơn.
- Tăng cường các hoạt động thể chất để kích thích sự thèm ăn ở trẻ.
- Điều trị triệt để các bệnh lý về đường tiêu hóa và các bệnh lý toàn thân khác.
- Bổ sung thêm các bữa ăn phụ xen kẽ các bữa ăn chính, chia nhỏ bữa ăn nếu bé ăn kém.
- Không lạm dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh.
- Theo dõi thường xuyên (tốt nhất mẹ nên có một bảng theo dõi chiều cao, cân nặng của bé hàng tháng) để theo dõi quá trình tăng trưởng của bé bằng biểu đồ.
- Chọn những loại thực phẩm vừa đầy đủ dinh dưỡng, vừa đảm bảo yếu tố kinh tế.
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng đảm bảo: các mẹ sẽ nhận được những lời khuyên về một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý cho bé đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng của cơ thể với các nhóm chất protein, lipid, glucid, chất khoáng và vitamin…
- Sử dụng sữa tăng cân cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng sẽ giúp bé dễ dàng hấp thu được dinh dưỡng hơn.
Vậy là mẹ đã cùng Blog Mẹ Yêu Con tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ nhỏ. Mong rằng những thông tin chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các mẹ, giúp mẹ cải thiện chiều cao, cân nặng của bé, giúp bé kịp và tiếp tục phát triển.
Nguồn TK: https://www.vinmec.com/vi/benh/suy-dinh-duong-3071/